Đóng

Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 Nguyễn Hồng Sơn: Vị tướng tài hoa

Bệnh viện Quân y 175 (TP. HCM) là cơ sở y tế đầu tiên ở ở Việt Nam đưa trực thăng vào hoạt động cấp cứu. Các hoạt động chuyên môn, các dịch vụ y tế ở đây đều đã thay đổi một cách sâu sắc, năng động và chuyên nghiệp.

Tất cả những đổi mới đó bắt đầu từ nỗ lực của Thiếu tướng, PGS-TS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.

 

Ý tưởng bệnh viện – khách sạn

Tốt nghiệp bác sĩ từ Học viện Quân y, ngay từ thời đi học bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã nổi tiếng với biệt danh “Sơn trống” là một tay chơi trống sành điệu, một thứ nhạc cụ đòi hỏi người chơi luôn phải sung mãn cả về năng lượng và cảm hứng. Ra trường, người đồng nghiệp trẻ ấy cũng như tôi khoác ba lô hành phương Nam nhận nhiệm vụ, rồi phấn đấu, rồi tạo dựng nên ở đó một sự nghiệp hơn người.

Khi làm tại Bệnh viện quân y 175, ý tưởng về một bệnh viện – khách sạn với những trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật tiên tiến để tổ chức nhiều dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu ngày cao của xã hội đã nhen nhóm và cháy bỏng trong tướng Sơn.

Năm 1999, tôi vừa trở về sau một năm tu nghiệp ở Pháp theo lời mời của Giáo sư M.Costagliola, tại nhà mình, tôi gặp tướng Sơn. Chúng tôi đã với nhau rất nhiều và rất sâu về bệnh viện tư và các mô hình bệnh viện của thế giới mà tôi đã tham quan ở Pháp, Đức.

Khi được chính thức nhận nhiệm vụ là Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, thì “đại bàng” Nguyễn Hồng Sơn mới thực sự có đủ khoảng trời tung cánh sau vài cú tập dợt. Những ý tưởng, những dự định, những kế hoạch không chỉ trong tư duy, không chỉ nằm trên giấy. Phấn khích và hào hứng là trạng thái thường trực của con người hành động. Như sợ thời gian trôi nhanh, như sợ lòng người chậm trễ, Tướng Sơn “vừa đi vừa suy nghĩ”, vận động bản thân và kích hoạt mọi người.

Và trái ngọt đã đến, một “dream hospital” vươn cao kiêu hãnh trên nền xưa bóng cũ. Mà không chỉ là tòa ngang dãy dọc với máy móc trang thiết bị tiên tiến thuộc hàng “cutting-edge”. Bệnh viện Quân y 175 hôm nay đã có Viện Chấn thương chỉnh hình hiện đại như khách sạn, có sân bay cấp cứu bằng trực thăng ra đời. Một Bệnh viện đa khoa mới hiện đại đang dần hoàn thiện.

Tướng Sơn quan niệm: “Ngoài câu chuyện chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ người bệnh, khi nào chúng ta có được một kiến trúc không gian bệnh viện để người bệnh có cảm giác “được” điều trị thay bằng “bị” điều trị trong những cơ sở y tế hiện nay. Chính vì vậy, kiến trúc bệnh viện là một điều thú vị mà tôi thích và quan tâm”.

 

Thiếu tướng, PGS-TS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trong chuyến công tác tại Nam Sudan

 

Bệnh viện của quân và dân

Với tinh thần “tất cả cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân”, là một nhà giáo, một Phó Giáo sư rất trẻ, trẻ ở cả tuổi đời và ở tư duy, Tướng Sơn đã từng bước thực hiện hoài bão đưa bệnh viện lên một tầm cao mới không chỉ trong chuyên môn khám chữa bệnh mà còn là một trung tâm đào tạo huấn luyện y khoa thật “academic”, chính thống và đẳng cấp, cho cả quân y và ngành ngành y tế nói chung.

Liên tiếp những chương trình đào tạo và liên kết, những Hội nghị khoa học và những đề tài nghiên cứu được hoạch định và tổ chức. Chính không khí học thuật ấy đã tạo nên những thay đổi lớn từ quy trình hoạt động tiên tiến của bệnh viện đến tác phong làm việc chuyên nghiệp của mỗi cán bộ nhân viên. Cũng chính điều đó đã làm thay đổi hẳn hình ảnh bảo thủ vốn có của một bệnh viện quân y trong mắt người dân và tạo một vị thế mới cho người Thầy thuốc Quân y trong xã hội.

Bệnh viện 175 hôm nay không chỉ là Bệnh viện Quân y đầu đàn ở phía Nam mà còn mang tầm quốc gia khi đã trở thành tuyến đầu đảm bảo quân y và y tế cho chiến sĩ và nhân dân biển đảo. Đó không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là cả tấm lòng của người Giám đốc và cả bệnh viện với biển đảo quê hương.

 

Thiếu tướng, PGS-TS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 tại Nam Sudan

 

Vị tướng tài hoa

Cảm hứng biển đảo ấy không chỉ thể hiện trong rất nhiều chiến tích hoạt động chuyên môn mà còn thấm đẫm trong mỗi giai điệu ca từ trong nhạc phẩm viết về Trường Sa của Tướng Sơn. Lời ca “đất ấm tình người người ấm tình nhau” trong ca khúc ấy không chỉ đẹp như một câu thơ mà hơn thế nữa, còn như một câu kinh về tình người tình đất. Cũng chính từ sự nhạy cảm ấy mà Tướng Sơn đã có ngay một ca khúc viết về “lính mũ nồi xanh” Việt Nam đi gìn giữ hòa bình thế giới mà trong đó có không ít những người chiến sĩ quân y nói chung và của Bệnh viện quân y 175 nói riêng đã góp phần đưa tầm vóc của bệnh viện vươn ra quốc tế.

Nhân nói về những ca khúc ấy không thể không nhắc đến phần nghệ sĩ trong trong con người cũng như phần âm nhạc trong cuộc sống và sự nghiệp của Tướng Sơn. Chính những hoạt động nghệ thuật này đã góp phần làm cho “con người công việc” Nguyễn Hồng Sơn trở nên hoàn chỉnh và đáng ngưỡng mộ. Càng đặc biệt hơn, khi những hoạt động tưởng “chơi vui” ấy lại có nhiều thành công, ghi những dấu ấn khó quên với bạn bè, công chúng và cả với giới nghệ thuật tinh hoa.

Từ những ca khúc viết sớm thuở sinh viên như “Hải Phòng tuổi thơ tôi” hay “Nhớ một chiều Hà Nội” đến những sáng tác khi đã là Thầy thuốc Nhân dân như “Vẫn mãi là màu áo trắng”, “Tuổi hai mươi”, … là những chỉ dấu đầy khát khao sáng tạo của một tâm hồn đa cảm. Có nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc Nguyễn Hồng Sơn những hình như với giọng ca Vũ Thắng Lợi thì những giai điệu của Sơn mới thực sự mang đến cho người nghe cảm xúc của một cặp nhạc sĩ – ca sĩ được sinh ra như để cho nhau.

Tuy nhiên phải nghe chính Tướng Sơn hát những ca khúc của mình thì ta mới cảm nhận hết sức nóng của mỗi ca từ và giai điệu. Vì thực ra trong nghệ thuật anh không chỉ nổi danh là tay trống cừ khôi hay những nhạc phẩm có thứ hạng mà từ lâu rồi bè bạn và công chúng đã biết và yêu thích giọng hát tenor giàu biểu cảm của anh.

 

Thiếu tướng, PGS-TS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 tại Nam Sudan

 

Nghe giọng hát và nhìn thần thái của ca sĩ – nhạc sĩ Hồng Sơn người ta không khỏi thốt lên rằng làm sao con người tài hoa ấy, tâm hồn đa cảm ấy lại vừa có thể luôn luôn là một con người hành động để có được những thành công không nhỏ trong cả sự nghiệp y khoa và cuộc sống đời thường.

Tháng Năm rực rỡ, một sáng tác âm nhạc nữa của Nguyễn Hồng Sơn lại vừa vang lên trên làn sóng. Đó không chỉ là một bài hát bình thường mà là một khúc tráng ca về Tổ quốc và nhân dân ta giữa những ngày đất nước khó khăn chống chọi với thiên tai và dịch bệnh. Da diết và hùng tráng, ngợi ca và trăn trở, những giai điệu và lời ca chất chứa suy tư ấy dường như đã mang một tầm tư tưởng mới, dự cảm một tầm bay mới cho đôi cánh đại bàng. 

 

Phú Xuân – Trường Thịnh (Nguồn Dân trí)